TP.HCM tuân thủ ra sao chỉ đạo về thu phí cảng biển?

Việc thu phí cảng biển tại TP.HCM với nhiều bất cập đã khiến doanh nghiệp kêu trời, bởi làm gia tăng gánh nặng chi phí, đi ngược với chủ trương thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Hạ tầng cảng biển tại TP.HCM đang quá tải

Hạ mức phí thu với doanh nghiệp ngoài TP.HCM

Trước bức xúc của các doanh nghiệp và sau cuộc họp với các bộ, ngành và UBND TP.HCM, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu TP.HCM phải xem xét việc thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại Thành phố và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, mới đây, tham mưu cho UBND TP.HCM, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đề xuất điều chỉnh theo hướng hạ mức mức thu phí của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại các địa phương khác bằng mức phí hỗ trợ như các đơn vị, cá nhân tại TP.HCM.

Thực tế, 60% hàng hóa từ các địa phương khác xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cảng biển Thành phố đã gây ùn tắc, tai nạn giao thông tại TP.HCM, trong khi hạ tầng chưa đủ điều kiện đáp ứng. Chính vậy, TP.HCM mới dùng biện pháp kinh tế là thu 2 mức phí khác nhau: đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM (phí thấp) và mở tờ khai ngoài Thành phố (phí cao). Biện pháp này nhằm buộc các doanh nghiệp ngoài TP.HCM lựa chọn xuất nhập khẩu hàng hóa qua các bến cảng biển địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An để giảm tải hạ tầng.

Nhưng qua 2 tháng thu phí, các doanh nghiệp của các địa phương khác vẫn chọn cảng biển TP.HCM để xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu điều tiết giao thông.

Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhóm giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Do đó, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh mức thu phí bằng nhau là phù hợp.

Bỏ thu đánh đồng hàng lẻ, hàng chuyển khẩu

Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho rằng, mức thu phí hiện nay đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu là phù hợp, tức là không điều chỉnh hạ. Lý do là, các loại hàng này đều phát sinh thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và xuất khẩu khỏi Việt Nam. Về nguyên tắc phải thu phí hai chiều (nhập và xuất) do 2 lần sử dụng hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, với tính chất và mục tiêu của loại hàng này, TP.HCM chỉ thu phí một chiều, nghĩa là thu phí một lần.

Mức thu một chiều của TP.HCM lại tương đương mức thu hàng khô hai chiều của TP. Hải Phòng và áp dụng thu chung cho tất cả các loại hàng hóa, không phân biệt hàng khô hay hàng lạnh như Hải Phòng.

Bên cạnh đó, tại Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn: “Khi xây dựng mức thu phí, UBND cấp tỉnh cần tham khảo mức thu phí của các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền hoặc của khẩu cảng biển trong khu vực để xây dựng mức thu phí bảo đảm tương đồng giữa các địa phương, khu vực”.

Tuy nhiên, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cũng cho hay, có phát sinh trong thực tế là một số doanh nghiệp có khối lượng hàng hóa nhỏ lẻ và không thường xuyên. Mỗi chủ hàng này chỉ có một lượng hàng nhỏ, không đủ để đóng vào một container, nên hàng được đưa vào kho CFS để thu gom hoặc chia tách hàng hóa của nhiều chủ hàng cùng vận chuyển chung container (hàng LCD). Chủ kho CFS có trách nhiệm mở tờ khai vận chuyển độc lập OLA với cơ quan hải quan thay cho các chủ hàng.

Như vậy, thực chất, hàng tại các kho CFS khi làm thủ tục xuất nhập khẩu là kiện hàng rời của nhiều chủ hàng khác nhau, không phải là hàng nguyên container của một chủ hàng. Do vậy, việc thu phí của hàng lẻ ghép chung container theo đơn vị tính là container sẽ phát sinh nhiều bất cập và khó thực hiện.

Ví dụ, một container 20 ft đóng ghép các mặt hàng cồng kềnh có trọng lượng 5 tấn, một container 20 ft đóng ghép các mặt hàng nông sản có trọng lượng 12 tấn. Mức phí cho một container xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM là 250.000 đồng. Như vậy, khi phân bổ mức phí cho từng chủ hàng theo trọng lượng hàng thì container hàng cồng kềnh là 50.000 đồng/tấn, container hàng nông sản là 20.833 đồng/tấn. Đây là điều chưa hợp lý.

Để giải quyết bất cập này, Sở Giao thông – Vận tải cho rằng, cần giải pháp tình thế là thu theo hàng lẻ trong khi chờ sửa đổi, bổ sung quy định.

Phát sinh khác, hàng chuyển khẩu là loại hàng không phải làm thủ tục nhập khẩu hay xuất khẩu khỏi Việt Nam và quá trình vận chuyển hàng hóa có thể không qua cửa khẩu Việt Nam, nên trong trường hợp hàng chuyển khẩu không xếp dỡ hàng xuống khu vực cửa khẩu, mà vẫn phải nộp phí hạ tầng cảng biển như các loại hàng khác là chưa hợp lý. Vì vậy, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đề xuất chỉ thu phí đối với hàng hóa chuyển khẩu có hoạt động xếp dỡ xuống khu vực cửa khẩu cảng biển và mức thu bằng mức thu hàng hóa xuất nhập khẩu.

Giảm 50% phí với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa

Phó thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM điều chỉnh mức thu phí cho hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Vấn đề này, cơ quan tham mưu chuyên môn đề xuất giảm 50% mức phí để tương ứng tỷ lệ kết cấu hạ tầng cảng biển, bởi hạ tầng đường bộ và đường thủy kết nối cảng biển TP.HCM chiếm tỷ trọng ngang nhau trong hệ thống hạ tầng cảng biển chủ yếu (185 km đường thủy và 176,25 km đường bộ).

Trong đó, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy có khối lượng lớn, chi phí thấp, nhưng thị phần hiện chỉ khoảng 20% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển.

Để khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy nhằm góp phần giảm ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, giảm dần sự phụ thuộc vào đường bộ, thì việc xem xét mức thu hợp lý cho hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy là phù hợp.

Việc này cũng phù hợp với Chỉ thị số 37/CT-TTg, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; phù hợp với một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

Không phạm điều ước, cam kết quốc tế

Phó thủ tướng còn yêu cầu TP.HCM rà soát việc thu phí có phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thủy).

Vấn đề này, theo cơ quan chuyên môn TP.HCM, đối tượng thu phí hạ tầng cảng biển là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quá cảnh, đối tượng của Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) là vận tải quá cảnh. Phí hạ tầng cảng biển không phải là phí hải quan và thủ tục thu phí cũng không làm trì hoãn hay hạn chế việc vận chuyển hàng quá cảnh. Như vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM là phù hợp với Hiệp định TFA của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phí hạ tầng cảng biển là loại phí do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu phải trả khi sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển của TP.HCM (cung cấp dịch vụ hạ tầng cảng biển). Mức phí này chỉ giới hạn trong mức thấp hơn chi phí đầu tư, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển và được áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt sản phẩm nội địa hay nước ngoài, không bảo hộ gián tiếp cho sản phẩm nội địa. Do đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển của Thành phố không ảnh hưởng đến cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).

Phí hạ tầng cảng biển cũng không phải là một khoản thuế và thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí, nên cũng không vi phạm Công ước Kyoto.

Phí hạ tầng cảng biển là loại phí liên quan trực tiếp đến vận chuyên hàng hóa, nên không thuộc đối tượng được miễn thu theo Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Ngoài ra, Sở Giao thông – Vận tải cũng cho rằng, việc đề xuất miễn thu phí hạ tầng cảng biển cho hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa qua Campuchia theo hiệp định giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia là có cơ sở.

Từ những phân tích trên, Sở Giao thông – Vận tải tham mưu UBND TP.HCM đề xuất HĐND xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND TP.HCM về mức thu phí cảng biển.

Tuy nhiên, vấn đề là lãnh đạo TP.HCM có nghe theo tham mưu trên hay không. Trước đó, trong báo cáo để làm việc với Phó thủ tướng và các bộ, ngành, UBND TP.HCM vẫn cho rằng, việc thu phí, mức thu mà Nghị quyết HĐND đưa ra là phù hợp với quy định và đặc thù địa phương.

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan