Sở hữu trí tuệ là gì? Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là gì? Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Những đối nào được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Phân tích bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa được đặc biệt chú trọng và phát triển thì việc nhiều thành tự khoa học, nghệ thuật, nhiều tác phẩm công trình nghiên cứu được sáng tạo và hình thành. Và để bảo vệ được những thành tựu này, pháp luật Việt Nam đã xây dựng lên luật về Sở hữu trí tuệ để bảo vệ những người đã có công sức trong việc nghiên cứu sáng tạo. Vậy sở hữu trí tuệ là gì? Những đối tượng nào thuộc quyền sở hữu trí tuệ. Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có thêm được những thông tin hữu ích trong vấn đề này.

Thứ nhất, quy định về sở hữu trí tuệ

Căn cứ theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 sở hữu trí tuệ được hiểu như sau: “là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

Như vậy, ta có thể thấy việc một tổ chức hay cá nhân có công sức nghiên cứu, sáng tạo để hoàn thành một công trình, một sản phẩm mới sẽ được công nhận quyền sở hữu. Các tác phẩm sẽ được bảo hộ trên các phương diện như quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ với  công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.

Thứ hai, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ như sau:

“Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch”.

Về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật đã phân thành từng nhóm với từng đối tượng cụ thể để dễ dàng hơn trong quá trình xây dựng văn bản luật, xây dựng những điều khoản cụ thể để bảo vệ những thành tựu được nghiên cứu. Luật sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho những tác giả khi có các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những công trình khoa học mà còn bảo vệ cả những hình dáng, kiểu dáng, mẫu thiết kế của những sản phẩm kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương hiệu.

Thứ ba, phân loại các đối tượng quyền sở hữu

Căn cứ vào quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

Quyền tác giả:

Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

+ Đối tượng được bảo hộ về quyền tác giả bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

+ Điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Quyền liên quan đến quyền tác giả:

Quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

+ Đối tượng được bảo hộ về quyền liên quan đến quyền  tác giả bao gồm tổ chức cá nhân bảo hộ quyền liên quan

+  Điều kiện để được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định tại Điều 16 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  như sau:

“1.Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn).

2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).

4. Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).”

Quyền sở hữu công nghiệp:

Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

+ Đối  tượng được bảo hộ về quyền liên quan đến quyền  tác giả bao gồm : các sáng chế công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp, các thiết kế bố trí, nhãn hiệu…

+ +  Điều kiện để được bảo hộ quyền liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  như sau:

“1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.”

– Sáng chế:

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tính mới; Có khả năng áp dụng công nghiệp

Căn cứ Khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  ta có thể hiểu sáng chế là các giải pháp kỹ thuật được hiện hữu dưới dạng sản phẩm hoặc dưới dạng quy trình có mục đích chính là nhằm giải quyết một vấn đề được xác định bằng cách ứng dụng các quy luật tự nhiên.

– Kiểu dáng công nghiệp:

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau: Có tính mới; Có tính sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

 Căn cứ Khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  ta có thể hiểu “kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.”

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nhằm đảm bảo lợi ích của các sản phẩm mang tính mới về hình thức thể hiện bên ngoài sản phẩm đó ví dụ như đường nét sản phẩm có tính mới, màu sắc của sản phẩm hay toàn bộ hình thái bên ngoài của sản phẩm đó. Chỉ khi sản phẩm có tính mới về kiểu dáng bên ngoài cả về hình thái lẫn màu sắc hay sự khác biệt cơ bản về bề ngoài thì mới được bảo hộ

– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: Là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. 

 Căn cứ Khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009  ta có thể hiểu “mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.”

Đây là một trong những quy định được xây dựng lên nhằm bảo hộ các sản phẩm mang tính trí tuệ trong ngành mạch tích hợp bán dẫn. Là một trong nhiều tiền đề để phát triển ngành kĩ thuật, do đó việc được bảo hộ tính sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng.

– Bí mật kinh doanh:

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp bí mật kinh doanh bị tiết lộ, gây ra những ảnh hưởng lớn tới việc hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty doanh nghiệp, do đó pháp luật về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với bí mật kinh doanh là rất quan trọng. Và để bảo hộ được bí mật kinh doanh thì  bí mật kinh doanh đó phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

+ Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

+ Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

– Nhãn hiệu:

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Các mặt hàng khi đăng ký kinh doanh thường được biểu thị kèm theo nhãn hiệu. Nhãn hiệu cũng là một trong những yếu tố quan trọng để gây dựng nên tên tuổi, chất lượng của sản phẩm. Và để nhãn hiệu được bảo hộ thì nhãn hiệu đó cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

+ Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

– Tên thương mại: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Để tên thương mại được bảo hộ thì việc tên thương mại đó phải có  khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác và được xét trên phương diện đó là các tên thương mại được xếp trong cùng lĩnh vực kinh doanh và trong cùng một  khu vực kinh doanh. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì tên thương mại đó sẽ không được bảo hộ

– Chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Để chỉ dẫn địa lý đủ điều kiện được bảo hộ thì chỉ dẫn địa lý đó cần đáp ứng được các tiêu chí quy định trong Điều 79 như sau:

“1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

 2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.”

– Giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Một trong những điều kiện để giống cây trồng được bảo hộ đó là về tính mới, tính khác biệt của giống cây trồng cũng như giống cây trồng đó phải có tên trong danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan