Nhiều tín hiệu lạc quan về nhu cầu xăng dầu ở Châu Á

Đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu dầu thô đang hồi phục dần ở các thị trường chủ chốt ở Châu Á (không kể Trung Quốc) – yếu tố quan trọng để có thêm manh mối trong việc nhận định về sự hồi phục của thị trường dầu thế giới.

Nhiều tín hiệu lạc quan về nhu cầu xăng dầu ở Châu Á

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục, với mức nhập trong 5 tháng qua cao nhất trong lịch sử nếu so sánh với giai đoạn tháng 5-9 của các năm trong quá khứ.

Tuy nhiên, giai đoạn nhập khẩu mạnh vào Trung Quốc sắp kết thúc khi những chuyến dầu thô cuối cùng mà nước này mua hồi tháng 4 – giai đoạn ngắn ngủi xảy ra ‘cuộc chiến’ giữa các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia khiến cho giá dầu Mỹ rơi xuống vùng âm – đã cập bến và đang được bốc dỡ. Điều đó có nghĩa là trong giai đoạn tới, các thị trường khác ở Châu Á (ngoài Trung Quốc) mới ‘quyết định’ xu hướng của thị trường dầu mỏ.

Ở hầu hết các nước Châu Á khác (ngoài Trung Quốc) đang chật vật với tình trạng nhu cầu suy yếu vì các đợt phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Song đáng chú ý, Ấn Độ – thị trường nhập khẩu dầu lớn thứ 2 ở Châu Á sau Trung Quốc – đang phát đi nhiều tín hiệu lạc quan, khi nhập khẩu và sử dụng dầu thô ở các nhà máy lọc dầu đều đang dần hồi phục, mặc dù chưa bằng mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Lượng dầu thô làm nguyên liệu sử dụng trong các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ trong tháng 9/2020 đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng, khi tăng 13,4% so với tháng 8/2020, đạt 4,33 triệu thùng/ngày, theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ công bố hôm 23/10.

Tuy nhiên, cho dù đó là con số cao nhất kể từ tháng 3 – thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách phong tỏa toàn quốc lần đầu tiên, sử dụng dầu thô nguyên liệu trong tháng 9/2020 vẫn thấp hơn 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dầu thô vào Ấn Độ cũng vẫn thấp. Dữ liệu cho thấy lượng nhập trong tháng 9/2020 là 3,48 triệu thùng/ngày, thấp hơn 11,9% so với mức 3,95 triệu thùng/ngày của tháng 8/2020. Song nếu so với  cùng tháng năm ngoái thì mức nhập khẩu giảm trong tháng 9/2020 thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Refinitiv Oil Research ước tính nhập khẩu dầu thô vào Ấn Độ trong tháng 10/2020 đạt 3,91 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Không chỉ dầu thô, nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ có vẻ cũng đang hồi phục, khi dữ liệu sơ bộ cho thấy tiêu thụ dầu diesel dự kiến tăng trong tháng 10/2020 – lần tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Trong nửa đầu tháng 10/2020, bán lẻ diesel tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của hãn bán lẻ nhiên liệu và sản phẩm lọc lớn nhất Ấn Độ, Indian Oil Corp.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba châu Á, ‘bức tranh’ thị trường dầu mỏ có vẻ phức tạp hơn.

Số liệu của Refinitiv cho thấy, nhập khẩu dầu thô vào nước này trong tháng 10/2020 đạt 2,05 triệu thùng/ngày, giảm so với 2,42 triệu thùng/ngày của tháng 9/2020 và 2,36 triệu thùng/ngày của tháng 8/2020.

Tuy nhiên, hiện tượng giảm nhập khẩu xảy ra khi một số nhà máy lọc dầu ở nước này nghỉ bảo dưỡng theo định kỳ, cho thấy các nhà máy đang hoạt động trở lại và nhập khẩu sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Hàn Quốc năm nay có thể vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thị trường Hàn Quốc cũng có dấu hiệu hồi phục. Theo số liệu của Refinitiv, nhập khẩu dầu vào Hàn Quốc trong tháng 10/2020 dự báo sẽ đạt 2,95 triệu thùng/ngày, tăng so với 2,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2020 và 2,5 triệu thùng/ngày tháng 8/2020. Nếu thực tế đúng như dự đoán này thì nhập khẩu dầu thô vào Hàn Quốc đang trở lại mức như trước khi đại dịch Covid-19.

Đáng mừng là nhập khẩu dầu thô và những thị trường Châu Á khác cũng đang hồi phục dần. Refinitiv ước tính sẽ có 2,91 triệu thùng dầu thô/ngày được nhập khẩu vào các thị trường châu Á khác (ngoài top 6 thị trường chủ chốt) trong tháng 10/2020, tăng so với 2,34 triệu thùng/ngày ở tháng 9/2020.

Hưởng lợi từ xu hướng này, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 9/2020 cũng tăng so với tháng 8/2020, với mức tăng 16,2% về khối lượng và 14,5% về kim ngạch. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 268% về lượng và tăng 276% về kim ngạch, đạt 9.206 tấn, tương đương 4,33 triệu USD; sang Singapore tăng 164% về lượng và tăng 185% về kim ngạch, đạt 26.364 tấn, tương đương 9,76 triệu USD; sang Hàn Quốc tăng 127% về lượng và tăng 119% về kim ngạch, đạt 3.441 tấn, tương đương 1,44 triệu USD…

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự hồi phục nhập khẩu dầu của những nước Châu Á khác có thể cũng chỉ đủ bù đắp cho việc nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ chậm lại sau đợt nhập cao kỷ lục (hồi giá giảm sâu), nghĩa là nếu cộng dồn toàn châu Á thì nhập khẩu chưa chắc đã tăng lên.

Hiện vẫn còn quá sớm để thay đổi quan điểm về nhu cầu dầu thô của Châu Á, từ bi quan sang lạc quan. Song không thể phủ nhận việc đang có những dấu hiệu cho thấy thị trường khu vực bắt đầu hồi phục.

Tham khảo: Refinitiv

Ngọc Diệp

Theo Trí thức trẻ

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan