Chuỗi ngày lỗ chưa thấy hồi kết của Pharmacity, tham vọng đi cùng áp lực cạnh tranh với mô hình nhà thuốc truyền thống

Pharmacity đã mở mới 225 cửa hàng kể từ đầu năm nay, mục tiêu của chuỗi nhà thuốc này là tăng lên con số 1.000 vào cuối 2021, nhân dịp sinh nhật 10 năm tuổi.

Chuỗi ngày lỗ chưa thấy hồi kết của Pharmacity, tham vọng đi cùng áp lực cạnh tranh với mô hình nhà thuốc truyền thống

CTCP Dược phẩm Pharmacity (chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam – Pharmacity) vừa thông tin về mức lỗ hơn 194 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, con số này tăng 59% so với cùng kỳ. Quy mô vốn chủ sở hữu tăng hơn 4 lần, từ 99 tỷ đồng lên 408 tỷ đồng.

Thực tế mô hình chuỗi bán lẻ trong tình cảnh thua lỗ liên miên không phải là chuyện gì quá bất ngờ, nhất là khi Pharmacity đang ở giai đoạn mở rộng mạnh mẽ cửa hàng vật lý trên toàn quốc.

Chuỗi ngày lỗ chưa thấy hồi kết của Pharmacity, tham vọng đi cùng áp lực cạnh tranh với mô hình nhà thuốc truyền thống - Ảnh 1.

Quy mô của chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam hiện có khoảng 480 cửa hàng, chuẩn bị chinh phục cột mốc 500 vào tháng 10. Đại diện công ty cũng nói rằng, chuỗi dự kiến tăng quy mô đến 1.000 điểm bán vào cuối năm 2021, tức tương đương chuỗi Thế giới Di động hay Điện máy Xanh thời điểm hiện tại. Với số lượng như vậy, kinh nghiệm từ MWG cho thấy Pharmacity sẽ có thể bao phủ gần như toàn bộ trên cả nước.

Dường như chuỗi nhà thuốc này đang muốn tận dụng cơ hội bứt tốc tạo khoảng cách đáng kể so với các đối thủ, trong bối cảnh cú sốc kinh tế đến từ đại dịch COVID-19. Một thuận lợi từ sự kiện này chính là giá thuê mặt bằng giảm do sụt giảm nhu cầu, nhiều đơn vị kinh doanh đã không thể cầm cự được trong khó khăn. Pharmacity đã mở mới 225 cửa hàng tính từ đầu năm.

Chuỗi ngày lỗ chưa thấy hồi kết của Pharmacity, tham vọng đi cùng áp lực cạnh tranh với mô hình nhà thuốc truyền thống - Ảnh 2.

Theo nhận định của Vietnam Report, tiềm năng tăng trưởng hai chữ số của ngành dược phẩm đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia bao gồm cả Thế giới Di động (An Khang), FPT Retail (Long Châu), Nguyễn Kim (Dược Lâm Đồng)…

Việc xây dựng chuỗi bán nhà thuốc GPP sẽ là xu hướng của tương lai, khi mức sống người dân ngày càng tăng, họ sẽ tìm đến những địa chỉ nhà thuốc đáng tin cậy, đáp ứng tiêu chuẩn để nghe tư vấn mua thuốc.

Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình chuỗi cửa hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do thị trường phân mảng, thói quen tiêu dùng cũ của đại đa số người dân và đặc biệt là tạo cuộc cạnh tranh về giá với các hiệu thuốc nhỏ lẻ, khi mà các cửa hàng này thường nhập từ nơi không chính thống như chợ thuốc, nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ.

Thực tế minh chứng rõ rằng con đường xây dựng chuỗi bán lẻ dược phẩm không hề dễ dàng cũng không thể nhanh chóng để gặt hái thành công. Hai trường hợp nổi tiếng là việc Thế giới Di động mua lại Phúc An Khang từ cuối năm 2017, nhưng sau đó chỉ duy trì quy mô cho đến thời điểm hiện tại. Hay như Tập đoàn Vingroup từng công bố kế hoạch bài bản từ sản xuất đến phân phối với chuỗi VinFa, nhưng cuối cùng cũng phải thay đổi phương án để tập trung vào mảng cốt lõi công nghệp – công nghệ – bất động sản.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu đã phải chịu cảnh gồng lỗ trong nhiều năm nay. Như Pharmacity và FPT Long Châu lỗ lần lượt 266 tỷ đồng và 42 tỷ đồng năm ngoái.

Mức lỗ của Pharmacity tăng dần theo việc mở rộng quy mô, doanh thu 2019 lên tới 966 tỷ đồng, gấp gần 8 lần năm 2016. Lỗ lũy kế của chuỗi nhà thuốc này tính đến cuối năm ngoái ghi nhận 591 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp của Pharmacity ở mức tương đối cao nếu đặt trong ngành bán lẻ, từ 24% – 25%. Tuy vậy chi phí cho thuê mặt bằng, quản lý và nhân công có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính hiệu quả. Bản thân Pharmacity không phải là doanh nghiệp ưa thích dùng đòn bẩy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tính đến giữa năm nay vẫn duy trì ở mức 0,3.

Người sáng lập của Pharmacity – ông Chris Blank là một người Mỹ với tuổi thơ khốn khó. Năm 1998 ông sang Việt Nam, ba năm sau khi cha mẹ anh qua đời từ một vụ tai nạn xe hơi.

Ông cùng cộng sự của mình là Fiachra MacCana từng có thời gian làm việc tại VinaCapital, rồi sau đó chuyển sang CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC).

Sau khi đạt một số thành công nhất định trong lĩnh vực tài chính, Chris tách ra lập nghiệp năm 2011, gây dựng Pharmacity từ con số 0 và hiện tại đạt quy mô trên 2.000 nhân viên, gần 500 cửa hàng trên khắp các thành phố lớn.

Nhưng để có được thành công như hiện tại, cú hích không nhỏ đến từ khoản đầu tư của Mekong Capital (nổi tiếng với nhiều thương vụ lớn, một trong đó có MWG). “Chúng tôi sẽ mở 1.000 cửa hàng tại 63 tỉnh thành của Việt Nam vào cuối năm tới, chính xác là ngày 10/11/2021, trùng với kỷ niệm 10 năm thành lập”, Chris nói.

CEO Pharmacity cũng cho rằng, mặc dù có khoảng 57.000 hiệu thuốc nhỏ tại Việt Nam, nhưng vẫn cần những cửa hàng thuốc tây theo phong cách hiện đại. Ông đã đi khắp thế giới, thăm hàng chục chuỗi nhà thuốc khác nhau và gặp gỡ những nhà quản lý hàng đầu.

Chuỗi ngày lỗ chưa thấy hồi kết của Pharmacity, tham vọng đi cùng áp lực cạnh tranh với mô hình nhà thuốc truyền thống - Ảnh 3.
Ông Chris Blank – CEO Pharmacity. Ảnh: CEO Magazine

“Một điều quan trọng mà tôi nhanh chóng nhận ra là xu hướng toàn cầu về việc chuỗi nhà thuốc mở ra cung cấp nhiều thứ hơn là thuốc. Vì vậy chúng tôi bắt đầu thêm vào các sản phẩm khác”, Chris chia sẻ với CEO Magazine.

Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng người Việt Nam chưa quen với phong cách này. Công ty xoay xở bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mãi khuyến khích khách mua hàng.

Pharmacity cũng có kế hoạch tăng quy mô các cửa hàng trung bình từ 50 m2 lên từ 100 – 300 m2, ngoài ra còn muốn lắp đặt các cơ sở tiêm chủng tại hiệu thuốc, phòng khám sức khỏe với các cơ sở trong chung cư cao tầng từ 10.000 – 50.000 dân.

Theo xếp hạng của hãng nghiên cứu thị trường dược phẩm IQVIA, Việt Nam là một trong 17 thị trường “Pharmerging”, tức nhóm các nền kinh tế được kì vọng sẽ là trụ cột thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu trong giai đoạn 2018 – 2022.

Bạch Mộc

Theo Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan