Bất chấp Covid-19, doanh thu 2020 của Con Cưng tăng 55%, đạt gần 4.000 tỷ đồng

Chiến lược new-retail với chìa khóa là công nghệ đã giúp Con Cưng có lợi thế riêng biệt và nhanh chóng bứt tốc ngay giữa đại dịch.

Bất chấp Covid-19, doanh thu 2020 của Con Cưng tăng 55%, đạt gần 4.000 tỷ đồng

Mở thêm gần 100 cửa hàng, doanh số tăng 55% lên gần 4.000 tỷ đồng – Đó là những con số ấn tượng mà chuỗi siêu thị mẹ và bé mang tên Con Cưng đạt được trong một năm “tồi tệ” với cả thế giới như 2020.

Khi dịch Covid-19 bùng nổ, giãn cách xã hội khiến cho hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn. Nhiều chuỗi cửa hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa. Tuy nhiên, ngành hàng tiêu dùng cho mẹ và bé gần như không bị ảnh hưởng.

Từ trước lúc đại dịch xảy ra, các báo cáo của Nielsen đã chỉ ra rằng, nhóm ngành hàng chăm sóc em bé đạt mức tăng lớn nhất trong các nhóm hàng thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1,5 triệu em bé được ra đời và đáng nói, do tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng đối với những sản phẩm dành cho trẻ em cũng tăng mạnh. Với những bố mẹ trẻ ngày nay, sản phẩm dành cho trẻ em đã trở thành nhu cầu thiết yếu khi “bỉm sữa” luôn nằm trong danh sách chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Ông Lưu Anh Tiến – Nhà sáng lập kiêm CEO của Con Cưng cho biết, các ông bố bà mẹ Việt Nam luôn đầu tư nhiều nhất cho con cái. Tâm lý này tạo ra một thị trường tiêu dùng cho mẹ bầu và em bé có quy mô lên đến 7 tỷ đô la. Sự hấp dẫn khiến cho hiện nay, hầu hết các hãng sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc em bé hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Từ kênh bán hàng truyền thống cho đến kênh siêu thị, online… đều ngập tràn các sản phẩm cho em bé.

Đánh giá tiềm năng thị trường và có những “vũ khí” riêng biệt, Con Cưng đặt kế hoạch doanh số 7.000 tỷ trong năm 2021 và 1 tỷ đô la vào năm 2023.

Mục tiêu này không quá tham vọng khi hiện nay, Con Cưng đang dẫn đầu thị trường với 414 cửa hàng. Quan trọng hơn cả, chiến lược “new-retail” với chìa khóa là công nghệ đã được Con Cưng triển khai từ vài năm trước, tạo nên sự khác biệt với các đối thủ.

Ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch Seedcom – Một cổ đông của Con Cưng từng chia sẻ, mô hình “new-retail” có bản chất là xây dựng hệ thống công nghệ để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Cụ thể, công nghệ được ứng dụng để giúp nhà quản lý hiểu được nhu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh nhất.

Tại Con Cưng, mặc dù mạng lưới cửa hàng rất lớn nhưng hệ thống quản lí được xây dựng bài bản, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, Con Cưng giao hàng online chỉ trong 30 phút. Giữa đại dịch, việc đẩy mạnh kênh bán hàng online kết hợp mở rộng quy mô, tăng mạnh doanh số trên từng điểm bán đã giúp Con Cưng sống khỏe và tăng tốc với những kết quả như trên. Đồng thời, việc giao hàng nhanh, danh mục sản phẩm rộng khiến cho khách hàng mua hàng tại đây cảm thấy rất hài lòng.

Hiện tại, doanh số online đang chiếm 20% tại các cửa hàng của Con Cưng tại thành phố lớn. Trong năm 2021, doanh số kênh online của Con Cưng dự kiến đạt 100 tỷ đồng/tháng. Ông Lưu Anh Tiến cho biết, online sẽ là kênh bán hàng quan trọng nhất, và sẽ chiếm tỉ trọng 50% tại các thành phố lớn trong 2 năm tới. Và như thế, chuỗi siêu thị mẹ và bé này sẽ trở thành một “tay chơi” có “máu mặt” trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Vị thế và triển vọng của Con Cưng đã được các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua các con số định giá.

Hồi tháng 1/2020, CTCP Đầu tư Con Cưng phát hành thành công 41 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi lên tới 484.629 đồng/cp. Các nhà đầu tư tài chính định giá dựa trên việc Con Cưng là doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc và đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ bài viết lên:

Bài viết liên quan